Kỹ thuật nuôi Ếch bố mẹ

19/12/2017

Kỹ thuật nuôi Ếch bố mẹ 

Lựa chọn ếch bố mẹ để nuôi vỗ sinh sản là một khâu quan trọng trong quy trình sản xuất ếch giống. Làm tốt khâu này sẽ giúp cho các hộ chăn nuôi sản xuất được những con ếch giống chất lượng làm đầu vào cho nuôi ếch thịt thương phẩm.
1. Cách chọn giống ếch bố mẹ
Nên chọn ếch bố mẹ có đặc điểm như sau:
– Nguồn giống từ những nơi khác nhau, nhằm tránh hiện tượng đồng huyết, làm cho ếch còi cọc, chậm lớn, dị hình.
– Ếch phải đủ tuổi sinh sản, ếch đực phải đủ một tuổi, ếch cái phải 8 tháng tuổi, không chọn con cái quá mập vì trứng sẽ rụng chậm, nhưng không quá ốm, nên chọn con giống từ 400 đến 500g.
– Chọn ếch khỏe mạnh, có màu sáng đẹp, không bị dị tật bởi vì nó làm cho ếch con yếu, dễ bệnh.
– Chọn giống ếch đực: Hoàn toàn khoẻ mạnh, có hộp âm thanh hiện rõ, ta có thể thử mức độ thành thục của ếch đực bằng cách lấy ngón tay đụng vào vùng bụng, ếch ôm chặt ngón tay thể hiện ếch đã sẵn sàng, ngoài ra môi dưới của ếch đực có màu cam, bộ phận dưới chân có màu vàng nhìn thấy rõ hơn ếch cái, đầu ngón chân trước có hiện tượng to hơn bình thường. Con đực mạnh khỏe đồng đều, có tiếng kêu lớn, sẵn sàng tham gia sinh sản (thông thường nếu cùng thời gian nuôi vỗ ếch bố mẹ sẽ thành thục đồng thời)

– Chọn giống ếch cái: Khỏe mạnh, bụng to, di chuyển chậm chạp, không nhanh nhẹn, , trứng thành thục tốt.Trong buồng trứng của ếch cái chứa nhiều cỡ trứng ở các giai đoạn khác nhau. Khi lựa chọn ếch bố mẹ cho đẻ phải lựa chọn kỹ tránh trường hợp trứng còn non chưa sinh sản được (đặc biệt đối với ếch cho sinh sản bằng phương pháp chích kích dục tố)
Chọn con cái có bụng phình to khi ngồi, 2 gờ trứng nhô lên cao, thân nhám tức cạnh thân eo chỗ để con đực vịn vào thấy có nhám như giấy nhám. Thân ếch càng nhám thì càng thành thục tốt, đây là đặc điểm sinh dục đặc biệt của loài ếch. Thông thường chọn những con ếch cái có da nhám từ 2/3 bụng trở lên là có thể cho sinh sản tốt, lúc này trong buồng trứng có nhiều trứng thành thục.

2. Kỹ thuật nuôi ếch bố mẹ và cho sinh sản
a. Chuẩn bị bể
– Kích thước hồ ếch giống bố mẹ nên có cỡ 2 x 2,5 m, cao 1,2m trở lên.
– Rửa bể cho sạch, phơi nắng diệt khuẩn 1 – 2 ngày, trường hợp là bể xi măng mới phải rửa xi măng bằng cách lấy 1kg phèn chua/1m3 nước, ngâm 3 – 4 ngày xả nước ngâm lại lần nữa (tuyệt đối không dùng bột giặt).
– Cho nước sạch vào hồ từ 5 – 7 cm, ngập khoảng ½ thân ếch, nước cho vào hồ nên cho vào buổi chiều, nước cho vào ban ngày sẽ nóng, ếch không giao phối, có thể dùng nước ngầm hay nước kênh rạch để nuôi, nước có độ pH phù hợp từ 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 150 mg.
– Dùng rau muống tươi thả xuống bể nuôi, tạo nơi cho ếch giao phối đồng thời làm giá thể cho trứng.
b. Kỹ thuật cho đẻ
– Tỷ lệ đực/cái là 1:1 nên gây mưa và tạo môi trường tự nhiên cho ếch sinh sản. Nhiệt độ trong hồ phối giống và đẻ trứng không dưới 25oC.
– Nên thả ếch bố mẹ lúc chiều mát, tỷ lệ thả tùy mùa, nếu là mùa mưa (mùa sinh sản tự nhiên) ếch mẹ sẽ có nhiều trứng, không nên cho nhiều ếch bố mẹ xuống hồ chỉ cần cho 2 – 3 cặp là được. Sau khi thả ếch bố mẹ xuống hồ, tránh tạo tiếng ồn cho ếch, tuyệt đối không cho ăn, sẽ làm cho ếch giật mình không chịu đẻ. Bình thường trong mùa giao phối ếch cái sẽ cho 2000 – 4000 trứng/lần/con, còn nếu đầu hay cuối mùa giao phối sẽ cho 800 – 1000 trứng/lần/con, còn mùa đông sẽ không lên trứng. Hoặc khi cho ếch đẻ, thả ếch đực vào hồ trước, đên chập tối mới thả ếch cái vào, và phun mưa nhân tạo để kích thích ếch bắt cặp thì đêm hôm đó ếch bố mẹ ôm lấy nhau đẻ trứng và thụ tinh sát mép nước. Trứng trôi xuống nước thành từng đám hình tròn có màng nhầy liên kết. Đầu đen của trứng (cực động vật) xoay lên phía trên để nhận ánh sáng.
– Sau khi ếch đẻ nên chuyển ếch bố mẹ sang bể khác để tiếp tục nuôi dưỡng cho lứa kế tiếp, đồng thời mở máy sục khí cho trứng nở. Sau 18 – 24 giờ trứng sẽ nở thành nòng nọc.
– Trường hợp trứng trong bể quá nhiều nên tách trứng ra bể khác, bể cho trứng vào nở cũng phải làm vệ sinh.
Lưu ý: Trứng sẽ nở đều ở nhiệt độ 28oC, nhiệt độ xuống thấp dưới 25oC tỷ lệ trứng nở thấp và khi ếch đã đẻ nếu ánh sáng không đầy đủ thì ếch cái không chịu rời bỏ trứng, trứng có thể không nở thành nòng nọc.
3. Cách cho ếch bố mẹ ăn
– Thức ăn để nuôi ếch bố mẹ nên chọn những loại thức ăn có mùi vị thơm, hấp dẫn hoặc cho ăn các loại mồi sống như: cá, còng, ốc bươu vàng (nên chú ý các loại thức ăn sống vì nó dễ lây bệnh cho ếch).
– Cho ếch ăn ngày hai lần, sáng và chiều, mỗi lần bằng 4 – 5% trọng lượng của ếch, gần đến mùa phối giống nên giảm bớt lượng thức ăn, để hạn chế lượng mỡ.
– Nên thay nước bể nuôi giống bố mẹ mỗi lần sau khi ăn 1 – 2 giờ để giữ vệ sinh, ếch bố mẹ sẽ ít mắc bệnh, ếch sạch giúp trứng mau già và có tinh dịch tốt, khỏe mạnh.

 Nguồn: Sưu tầm Internet

Tin tức liên quan